
Hình ảnh hoạt động








Thống kê truy cập
  Đang truy cập : 1
  Hôm nay: 3
  Tổng lượt truy cập: 12548
Lịch sử nhà trường
PHÒNG GD&ĐT THẠNH PHÚ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG THCS TRẦN THỊ TIẾT Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Giao Thạnh, ngày 14 tháng 8 năm 2018
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG THCS TRẦN THỊ TIẾT; CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP DANH NHÂN TRƯỜNG MANG TÊN;
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
1. Quá trình thành lập và phát triển trường trung học cơ sở Trần Thị Tiết:
Trường trung học cơ sở Trần Thị Tiết trước đây là Trường trung học cơ sở Giao Thạnh được thành lập theo Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2000 của Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú về việc tách bậc trung học cơ sở ra khỏi Trường phổ thông cơ sở Giao Thạnh, Trường tọa lạc tại ấp 4, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Năm 2000-2001 Tổng số Cán bộ giáo viên, nhân viên là 16 người, do Thầy Mai Văn Phượng làm Hiệu trưởng, Trong đó trình độ đạt chuẩn 14 người chiếm 93,3%, Trên chuẩn 1 người chiếm 6,7%; trường có 2 đảng viên và sinh hoạt chung với Chi bộ trường Tiểu học Giao Thạnh, Công đoàn, chi đoàn, Đội đều hoạt động khá tốt; Tổng số học sinh là 516 chia làm 13 lớp học nhờ tại trường THPT Giao Thạnh, cơ sở vật chất gồm 8 phòng kiên cố và 2 phòng tạm bợ.
Tỉ lệ học sinh khá, giỏi toàn trường đạt 53,6%; Tỉ lệ học sinh yếu, kém là 9.6%, tỉ lệ học sinh bỏ học 6,3%, tỉ lệ tốt nghiệp THCS 82,1%.
Khung trường THCS Giao Thạnh học nhờ trường THPT Giao Thạnh
từ năm 2000 đến 2002
Năm học 2002-2003 số Cán bộ giáo viên, nhân viên tăng lên 20, Thầy Võ Văn Tiền được điều động từ trường THCS An Qui về làm Hiệu trưởng; Năm học 2003-2004, trường được chuyển về cơ sở mới với 8 phòng tiền chế (Trong đó có 7 phòng học, 1 phòng phục vụ chung gồm: phòng Hiệu trưởng, phòng nghỉ giáo viên, Thư viện, thiết bị, các bộ phận đoàn thể ) Tổng số Cán bộ Giáo viên, nhân viên là 21 người, Số học sinh tăng lên đến 620 em (chia làm 14 lớp) trong thời gian này việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên dạy giỏi cấp trường là 10 giáo viên, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện là 02 giáo viên
Tỉ lệ học sinh từng lúc có chuyển biến cụ thể cuối năm học 2003-2004 học sinh khá giỏi đạt 67,5%, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm còn 2.2%; tỉ lệ học sinh bỏ học 4.5%, tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%.
Học sinh giỏi cấp huyện là 8 học sinh, Học sinh giỏi cấp tỉnh là 1 học sinh.
Một phần của khung trường THCS Giao Thạnh học từ năm 2002 đến 2006
Đến năm học 2006-2007 trường chuyển về cơ sở mới với diên tích 6902 m2, tọa lạc tại ấp 4, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Trường có tổng số 27 phòng ( Trong đó 12 phòng học, 4 phòng bộ môn, 2 phòng thực hành hóa, sinh, còn lại các phòng phục vụ các hoạt động khác. Số Cán bộ giáo viên, nhân viên tăng lên 32, Thầy Nguyễn Văn Hải được điều từ trường Tiểu học An Nhơn về làm Hiệu trưởng thay thế thầy Võ Văn Tiền, tháng 01 năm 2007 thầy Nguyễn Văn Mẫn được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, tổng số học sinh 562 em, chia làm 14 lớp . Đến tháng 07 năm 2007 Chi bộ trường được thành lập với 07 đảng viên do Đồng chí Nguyễn Văn Hải làm Bí thư chi bộ.
Giáo viên dạy giỏi cấp trường là 14 giáo viên, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện là 03 giáo viên
Chất lượng học sinh khá giỏi đạt 70.8 %, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm còn 1.7%; tỉ lệ học sinh bỏ học 4.9 %, tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%.
Trường đạt trường tiên tiến, Chi bộ trong sạch vững mạnh, công đoàn vững mạnh.
Khung trường THCS Trần Thị Tiết từ năm 2006 đến 2018
Năm học 2008-2009 thầy Trần Văn Mộc được điều từ trường THCS Thạnh Hải về làm Hiệu trưởng với tổng số Cán bộ giáo viên, nhân viên là 35; tổng số học sinh trường là 488 chia làm lớp 14 lớp
Giáo viên dạy giỏi cấp trường là 18 giáo viên, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện là 04 giáo viên
Học sinh giỏi cấp huyện là 6 học sinh, Học sinh giỏi cấp tỉnh là 1 học sinh, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 đạt 73.07%
Đến ngày 31/01/2013 Trường vinh dự đổi tên Trường trung học cơ sở Giao Thạnh thành trường THCS Trần Thị Tiết (Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú)
Năm học 2015-2016 đến nay Thầy Tống Văn Găng Em được điều động từ trường THCS An Điền về làm Hiệu trưởng. Sau 18 năm hình thành và phát triển, nhà trường gắn liền với sự phát triển chung của ngành Giáo dục và Đào tạo Thạnh Phú.
Năm học 2017-2018 tổng số Cán bộ giáo viên, nhân viên là 34 người, trong đó đạt chuẩn 100%, trên chuẩn chuẩn 28/34 (82,35%) .
Tập thể Cán bộ, Giáo viên, Nhân viên năm học 2017-2018
Trường có 12 lớp với 494 em được học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất đáp ứng khá đầy đủ theo yêu cầu phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy, học tập và hoạt động ngoại khóa.
Trường có chi bộ độc lập với 22 đảng viên chiếm tỷ lệ 64,70%, từ năm 2005 đến nay chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công đoàn vững mạnh xuất sắc cấp huyện, chi đoàn mạnh, Liên đội mạnh xuất sắc .
Trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2005.
Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011.
Trường được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ 3 vào năm 2012.
Năm học 2009 – 2010 đến 2011 – 2012 trường vinh dự nhận 3 lần cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Bến Tre.
Với phong trào thi đua dạy giỏi- học giỏi trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực: Hàng năm có khoảng 16% giáo viên giỏi cấp huyện, có 3 GVDG cấp tỉnh năm 2016-2017, trường được Bộ GD và Chính phủ tặng bằng khen. số học sinh giỏi cấp huyện hằng năm đều đạt so với chỉ tiêu, năm học 2017-2018 có 20 học sinh giỏi cấp huyện, trong nhiều năm qua đều có HS giỏi cấp tỉnh. tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 1% thấp so với mặt bằng chung của huyện, tỉ lệ lưu ban dưới 1%, tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 trên 73%. Là địa phương có phong trào xã hội hóa giáo dục tốt, Hội khuyến học xã Giao Thạnh và Ban đại diện cha mẹ học sinh có quan tâm hoạt động tích cực và hiệu quả.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của bà Trần Thị Tiết:
Bà Trần Thị Tiết, bí danh Út Hạnh, sinh năm 1935, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước, ngụ tại ấp 3, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Năm 14 tuổi, đồng chí tham gia cách mạng, đến 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đặc điểm của nữ đảng viên trẻ Trần Thị Tiết là rất có duyên trong xây dựng cơ sở cách mạng. Chính vì thế, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà được tổ chức phân công ở nhiều địa bàn khác nhau như Thạnh Phú, Mỏ Cày, Ba Tri và cùng với đó là sự ra đời của những tổ chức cơ sở, những cuộc biểu tình, đột kích diệt ác trừ gian… Lần đầu tiên thoát ly gia đình – thời điểm nhân dân đấu tranh quyết liệt chống lại chính sách bình định lấn chiếm của Pháp, Út Hạnh về xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú). Để che giấu hoạt động và có điều kiện xây dựng cơ sở cách mạng, bà xin làm công quả trong một thánh thất Cao Đài. Cũng tại nơi này, các tín đồ được cảm hóa và tổ chức chống bắt lính ra đời; thánh đường biến thành nơi che giấu cán bộ cách mạng.
Năm 1954, với vai trò là Xã ủy viên, bà Trần Thị Tiết xây dựng kế hoạch tiêu diệt một tên cảnh sát ác ôn. Kế hoạch bị lộ, bà bị bắt và bị đánh đập rất dã man. Nhưng được sự giúp đỡ của quần chúng và không có bằng chứng, nên địch buộc phải thả bà.
Trong cuộc họp triển khai Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về con đường phát triển của cách mạng miền Nam, tại Huyện ủy Mỏ Cày, ông Bảy Đấu - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khi ấy nói với Út Hạnh: "Tỉnh ủy đưa cháu về tăng cường cho Ba Tri, là nơi Huyện ủy bị địch bắt và tàn sát gần hết, cháu nghĩ sao?". Bà trả lời ngay: "Cháu là con của Đảng, cháu tuyệt đối chấp hành mọi sự phân công của Đảng!"
Ngay sau đó, bà được điều về bám trụ tại xã An Bình Tây (Ba Tri). Đây là địa bàn đông dân cư và nằm sát Thị trấn, có hai tên ác ôn khét tiếng là cảnh sát Đương và địa chủ Hoảnh để làm điểm diệt ác trừ gian. Ngay trong đêm Đồng Khởi 17-1-1960, bà tổ chức một đội thanh niên mặc quần áo bộ đội, đeo súng bập dừa, chia làm hai mũi đột nhập vào tận nhà tiêu diệt hai tên ác ôn Đương và Hoảnh. Trong trận này, Út Hạnh giả trai, cùng hai thanh niên trực tiếp tiêu diệt tên Đương; đồng thời, tổ chức rải truyền đơn và dán bản cáo trạng tội ác của hai tên ác ôn này khắp nơi.
Trở về Đại Điền (Thạnh Phú), ngày 1-6-1960, sau khi tham gia tổ chức mít-tinh phát động Đồng Khởi đợt 2 tại xã, có khoảng trên 300 người dự, đồng chí Trần Thị Tiết bị địch bắt. Biết mình sắp sa vào tay giặc, bà đã đạp toàn bộ tài liệu có liên quan đến Đồng Khởi đợt 2 xuống bùn, không để địch phát hiện.
25 tuổi đời, 11 năm theo cách mạng, bản lĩnh kiên cường của một cán bộ cách mạng đã đủ cho bà tự tin đối mặt với mọi trở lực. Trong suốt thời gian ở tù, địch đã dùng mọi cực hình dã man để tra tấn, làm bà chết đi sống lại nhiều lần, nhưng bà thà hy sinh chớ không khai báo bất kỳ điều gì. Chuyện kể rằng, khi bị bắt, thời gian đầu bà bị giam ở huyện Thạnh Phú. Địch đã dùng mọi cực hình để tra tấn như báng súng, bá trắc, dầu vuông để đánh; xé hết quần áo, đổ nước xà phòng, cột dây rút lên trần nhà… làm bà chết đi, sống lại nhiều lần, nhưng bà vẫn một mực im lặng.
Sau một tháng tra tấn ở huyện không hiệu quả, chúng đưa bà về khu biệt giam của tỉnh. Hình thức, thủ đoạn điều tra càng dã man hơn. Những cây kìm kẹp đứt từng miếng thịt, điện châm vào tai, đầu vú, cửa mình… Dùng mọi cực hình nhưng vẫn không khuất phục được ý chí kiên trung của người phụ nữ quả cảm, tên Phó Tỉnh trưởng trực tiếp đến gặp và chủ trương giết Út Hạnh. Nhưng cách giết người của chúng mới là vấn đề! Cứ một vài ngày chúng hút máu bà một lần, cho đến khi bà hôn mê và bất tỉnh. Chưa hết, chúng xách hai chân, thụt đầu bà vào hồ nước và biết chắc là bà đã chết rồi, mới đem bà bỏ vào nhà xác. Và cũng tại nơi này, cơ sở cách mạng đã tổ chức lấy xác đồng chí Trần Thị Tiết đưa về vùng giải phóng. Người phụ nữ phơi phới tuổi thanh xuân ngày nào giờ còn có 19,5 kg, nằm bất động. Nhưng như phép nhiệm mầu, trái tim đầy quả cảm ấy vẫn còn nhịp đập dù rất yếu ớt.
Suốt 5 năm ròng rã được sự chăm sóc đặc biệt của Quân y huyện Mỏ Cày, người phụ nữ ấy đã đứng dậy và tiếp tục hoạt động cách mạng. Đó là năm 1966, bà tham gia công tác ở Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng, tham gia lãnh đạo phong trào phụ nữ của tỉnh, tiếp tục công tác xây dựng cơ sở, vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị. Cũng trong thời gian điều trị, trái tim của người phụ nữ quả cảm đã hòa cùng nhịp đập với người chỉ huy Quân y kiên cường Đoàn Văn Thời. Những đứa con lần lượt ra đời. Nhưng trong hoàn cảnh địch bố ráp dữ dội, để có điều kiện hoạt động cách mạng, bà đã nuốt nước mắt vào tim, gửi con về quê, dù có đứa vừa tròn 1 tháng tuổi, đứa chưa qua thôi nôi…
Năm 1974, bà Trần Thị Tiết được bầu vào Tỉnh ủy, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh, và vẫn tiếp tục nhiệm vụ này đến năm 1987. Nghỉ hưu không lâu, di chứng của những trận đòn roi ngày ấy ngày càng trở nặng. Nữ anh hùng Trần Thị Tiết ra đi khi vừa tròn tuổi 60 (năm 1995), nhưng tài sản của bà và người chồng Đoàn Văn Thời để lại là những đứa con kiên cường, tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ mình trong xây dựng đất nước hôm nay. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng I, II; Huân chương Độc lập hạng I, II cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày 23-2-2010, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 212 truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thị Tiết vì đã có thành tích xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
3. Những kết quả nổi bật:
Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011 đến nay (Theo Quyết định số 1150/QĐ- UBND ngày 23/5/2011 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bến Tre và Quyết định số 1313/QĐ- UBND ngày 09/6/2016 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bến Tre)..
Trường được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ 3 từ năm 2012 đến nay (Theo Quyết định số 1011/QĐ- UBND ngày 28/5/2012 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bến Tre).
Trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2005.
Năm học 2009 – 2010 đến 2011 – 2012 trường vinh dự nhận 3 lần cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Bến Tre.
Năm học 2011 – 2012 Trường được bộ tặng bằng khen.
Năm học 2012 – 2013 Trường được chính phủ tặng bằng khen.
Năm học 2013 – 2014 đến năm học 2017-2018 Trường được công nhận trường tiên tiến xuất sắc.
HIỆU TRƯỞNG
Tống Văn Găng Em